Thị trườngThị trường sữa nước - Cuộc chiến thị phần ngày càng nóng

Thị trường sữa nước – Cuộc chiến thị phần ngày càng nóng

Trong khi thị trường sữa bột chủ yếu do các hãng nước ngoài nắm thị phần thì thị trường sữa nước có thể coi là phân khúc của doanh nghiệp nội.

Phân khúc của hàng nội

Cuộc cạnh tranh của các hãng sữa là cuộc chiến trên các dòng sản phẩm sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên (sữa được pha ra từ bột). Hơn 70% số lượng sữa nước trên thị trường ở Việt Nam là sữa hoàn nguyên, phần còn lại là sữa tươi từ các vùng nguyên liệu của các công ty trong nước.

Trong khi thị trường sữa bột chủ yếu do các hãng nước ngoài như Abbot, Mead Johnson, Nestle, FrieslandCampina nắm thị phần thì thị trường sữa nước có thể coi là phân khúc tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội, trong đó phải kể đến Vinamilk, TH True Milk.

Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam, tính đến tháng 7/2013, thị phần sữa nước hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp sữa nội, trong đó, Vinamilk nắm giữ 48,7% thị phần, kế đến là FrieslandCampina Việt Nam với 25,7% và TH True Milk là 7,7% thị phần. Vinamilk hiện có 5 thương hiệu sữa nước. FrieslandCampina Việt Nam hiện có 4 dòng sản phẩm sữa nước trong đó Dutch Lady (Sữa Cô gái Hà Lan) chiếm vị trí chủ lực.

Thị trường sữa nước có giá trị khoảng 1 tỷ USD. Nếu cách đây vài năm chỉ một vài tên tuổi như Vinamilk hay Dutch Lady chiếm lĩnh hầu hết thị trường thì nay hàng chục thương hiệu từ Vinamilk, Dutch Lady, TH True Milk, Mộc Châu, Ba Vì, Dalatmilk, Lothamilk, Vixumilk, Nutifood, Hanoi milk gia nhập với mức giá chênh lệch không nhiều.

Thị trường sữa nước là phân khúc doanh nghiệp trong nước có sức cạnh tranh.

Ngày càng nhiều tay chơi lớn

Theo khảo sát của Kantar World Panel công bố ngày 10/05/2013, trung bình 100 gia đình Việt Nam có 94 gia đình sử dụng ít nhất một sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk.

Vinamilk đang nỗ lực mở rộng thị trường và đề ra mục tiêu đến năm 2017 sẽ trở thành một trong 50 doanh nghiệp chế biến sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD. Sau khi đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước hiện đại tại Bình Dương, Vinamilk tiếp tục tăng vốn đầu tư từ 121 triệu NZD (tiền New Zealand) lên gần 148 triệu NZD để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 19,33% vốn tại Nhà máy sữa Miraka ở New Zealand.

Ngoài ra, Vinamilk cũng nhận được giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho khoản góp vốn trị giá 7 triệu USD vào Công ty Driftwood tại Mỹ, tương đương 70% vốn chủ sở hữu tại công ty sữa này.

Năm 2014, Vinamilk dự kiến sẽ mở thêm một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) chuyên sản xuất sữa đặc, sữa chua, sữa tiệt trùng. Với chiến lược mở rộng kinh doanh toàn cầu, Vinamilk kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, việc mở rộng thị phần của Vinamilk không dễ dàng khi các đối thủ phía sau luôn theo sát.

Tháng 6/2013, Nhà máy sữa bột NutiFood được khởi công xây dựng với tổng công suất 50.000 tấn sữa bột/năm, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 600.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm, từ đầu năm 2014.

Năm 2014 TH milk dự kiến sẽ đưa vào vận hành toàn bộ siêu Nhà máy Mega Plant, với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày (tương đương 500 triệu lít/năm) để thực hiện mục tiêu đạt doanh thu năm 2015 là 15.000 tỉ đồng, năm 2017 là 23.000 tỉ đồng.

Hôm 9/6 vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức chính thức ký kết hợp tác với Nutifood để mở rộng thị phần trong lĩnh vực sản phẩm sữa tươi.

Theo đó, Nutifood sẽ là đối tác bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa từ trang trại rộng trên 4.000 ha với 20.000 con bò của HAGL.

Để thực hiện thương vụ hợp tác trên phía Nutifood sẽ đầu tư một nhà máy chế biến sữa riêng tại Gia Lai với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức và Thụy Điển.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng sẽ đầu tư trên 16.138 tỷ đồng vào nhà máy sữa và khu chăn nuôi tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP.Pleiku – Gia Lai) trước khi bầu Đức mở rộng nuôi bò trên đất Lào. Dự án trên đã được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý phê duyệt.

Theo đó, quỹ đất ban đầu của nhà máy rộng trên 4.000 ha (gồm 3.400 ha trồng cỏ, 600 ha dùng để đầu tư hạ tầng phục vụ chăn nuôi). HAGL dự kiến sẽ nhập khoảng 100.000 con bò. Giai đoạn đầu nhập 40.000 con bò với 20.000 là bò sữa cho sản lượng khoảng 1,2 triệu lít sữa/ngày.

Việt Nam – Thị trường sữa tiềm năng

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ sữa tiềm năng. Điều này là bởi Việt Nam là một quốc gia đông dân, cơ cấu dân số trẻ với mức tăng dân số cao khoảng 1,2%/năm, tỷ lệ tăng trưởng GDP 6-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 14,2%/năm. Những yếu tố này kết hợp với xu thế cải thiện thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao.

Năm 2013, thị trường sữa nước ước đạt 670.000 tấn, tương đương 18.000 tỷ đồng và dự tính đạt hơn 1.000 tấn, tương đương 34.000 tỷ đồng vào năm 2017. Thị trường sữa bột năm 2013 cũng đạt 70.000 tấn, tương đương 28.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên mức 90.000 tấn (tương đương 48.000 tỷ đồng) vào năm 2017.

Năm 2010, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 15 lít sữa/năm, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan 34 lít/người/năm, Trung Quốc 25 lít/người/năm. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng gần gấp đôi, lên đến 28 lít sữa/năm/người.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 54 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa, chưa kể có hàng trăm tổng đại lí phân phối sữa, trong đó, 70% thị trường vẫn phụ thuộc vào nguồn sữa ngoại.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam năm 2013 là xấp xỉ 1,1 tỷ USD, tăng hơn 130% so với năm 2012. Theo số liệu mới nhất, 4 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam là hơn 362,2 triệu USD.

Dự báo năm 2017 thị trường sữa nước sẽ đạt đến quy mô 34.000 tỷ đồng, thị trường sữa bột là 48.000 tỷ đồng. Với những dự báo khả quan này, hàng loạt doanh nghiệp sữa đã đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc điểm địa lý và khí hậu nhiệt đới xen với vành đai ôn đới tại Việt Nam rất thuận lợi cho phát triển đàn bò sữa. Các đồng cỏ như Hà Tây, Mộc Châu, Bình Dương… cung cấp nguồn thức ăn dồi dào, phong phú và điều kiện sinh trưởng tốt.

Một góc trang trại bò sữa của Vinamilk (Nguồn: Vinamilk)

Tuy nhiên một trong những thách thức lớn của ngành sữa hiện nay là khâu nguyên liệu. Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 170.000 con bò sữa, tốc độ tăng trưởng khoảng 13,6%/năm, năng suất sữa bình quân khoảng 3,88 tấn/bò vắt sữa/năm, sản lượng sữa đạt gần 400.000 tấn nhưng mới đáp ứng khoảng 25,5% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Năm 2013 vẫn phải nhập gần 841 triệu USD sữa và sản phẩm sữa cho nhu cầu tiêu dùng.

Trước tình hình này, từ đầu năm 2007, Vinamilk đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng 5 trang trại bò sữa tại Tuyên Quang, Lâm Đồng, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, nhập khẩu bò giống bò cao sản thuần chủng HF từ Úc. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng với 3.000 con bò. Trong khi đó, đàn bò sữa cao sản của Công ty TH Milk đến cuối năm 2013 đã đạt 45.000 con, dự kiến sẽ tăng lên 137.000 con vào năm 2017.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết: “Tổng đàn bò sữa năm 2012 có 167.000 con, dự kiến sẽ tăng lên 400.000 con vào năm 2020, tổng sản lượng sữa tươi lúc đó sẽ tăng lên gần gấp 3 lần, từ 381.000 tấn hiện nay lên 1 triệu tấn vào 2020; nhưng cũng chỉ đáp ứng 35% nhu cầu tiêu dùng sữa tươi trong nước”.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tin bài:Gafin
- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp

Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không chỉ là việc làm thể hiện trách nhiệm xã hội của...
- Advertisement -spot_img

Bài liên quan: