Để tạo ra một ý tưởng, thông điệp mà khách hàng có thể “hiểu, ghi nhớ ngay lập tức và muốn chia sẻ cho người khác” bạn cần phải làm nó: Đơn giản, Bất Ngờ, Cụ thể, Đáng tin cậy, Giàu cảm xúc và Được kể như một câu chuyện.
Nhiều chuyên gia đúc kết kinh nghiệm tạo ra một câu khẩu hiệu hay thông điệp thương hiệu ‘dễ đi vào lòng người’, những yếu tố doanh nghiệp cần chú ý là:
- Định vị sản phẩm
- Những lợi ích chính yếu mang lại cho khách hàng
- Sự khác biệt của thương hiệu
- Cam kết giá trị
- Đối tượng khách hàng
- Giọng điệu
Kết hợp những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra khung thông điệp thương hiệu làm định hướng cho hoạt động tiếp thị – quảng cáo của mình trên mọi kênh.
3 điểm cần phải nhớ khi xây dựng thông điệp thương hiệu
Khách hàng: Doanh nghiệp cần lựa chọn cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm. Cần phải nghiên cứu thật kỹ tâm lý khách hàng để điều gì là quan trọng nhất đối với họ.
Nội tại doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Tầm nhìn cho thương hiệu là gì? Mục tiêu phát triển của thương hiệu trong ngắn hạn và dài hạn là gì?
Tính cạnh tranh: Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường thật kỹ lưỡng để tìm ra điểm khác biệt của thương hiệu với các đối thủ cạnh tranh. Thông điệp thương hiệu ‘để đời’ cần phải dễ nhớ, độc đáo, khác biệt nhưng chân thực.
Cách xây dựng khung thông điệp thương hiệu
Những yếu tố cần xem xét khi xây dựng khung thông điệp thương hiệu:
Cam kết thương hiệu
Cam kết thương hiệu là thứ không thể tách rời với mọi thương hiệu, dù lớn hay nhỏ. Đây là yếu tố nhằm “đóng đinh” trong tâm trí người tiêu dùng thương hiệu đại diện cho điều gì, đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng hơn đối thủ cạnh tranh và làm thế nào người tiêu dùng có thể tin tưởng vào điều này.
Chia sẻ trên trang The Leader, ông Nguyễn Hữu Long, nhà sáng lập của cộng đồng Phát triển doanh nghiệp Việt nói: “Giao tiếp với một thương hiệu không có lời hay lời cam kết cũng giống như làm bạn với một người không gật, không lắc. Một thương hiệu không tuyên bố gì, không định vị mình là gì thì cũng không ai biết nó là gì.”
Một doanh nghiệp thiếu cam kết thương hiệu “cũng không sao nhưng sẽ chẳng ai dám chơi với bạn vì không hiểu bạn thuộc dạng gì”.
Tuyên ngôn định vị thương hiệu
Tuyên ngôn định vị thương hiệu là lời tuyên ngôn về một vị trí mà công ty mong muốn, khao khát sản phẩm/dịch vụ của mình có thể ghi dấu trong tâm trí khách hàng. Nó giống như ‘ngọn hải đăng’ chỉ đường, là thông điệp cốt lõi định hướng cho những hoạt động truyền thông của thương hiệu.
Khách hàng mục tiêu
Việc xác định khách hàng mục tiêu rất quan trọng trong quá trình xây dựng thông điệp thương hiệu.
Khách hàng mục tiêu bao gồm khách hàng thực sự và khách hàng tiềm năng.
Một doanh nghiệp không thể cung cấp sản phẩm/dịch vụ ‘gãi ngứa’ được cho tất cả đối tượng khách hàng. Hơn nữa, những nhóm đối tượng khách hàng sẽ có đặc điểm riêng về thu nhập, nhu cầu, tâm lý, sở thích, giới tính, v.v.
Do đó, nếu không xác định được sản phẩm/dịch vụ bán cho đối tượng nào, doanh nghiệp giống như ‘đi trong màn sương mù’ trong việc ‘làm thương hiệu’.
Sứ mệnh thương hiệu
Theo Brands Vietnam, sứ mệnh thương hiệu thể hiện những mong muốn ở thời điểm hiện tại và đang được thực hiện, giải thích lý do cho sự hiện diện của thương hiệu và khả năng đáp ứng nhu cầu đối với khách hàng.
Sứ mệnh thương hiệu đóng vai trò định hướng cho các hoạt động của thương hiệu, truyền cảm hứng và tạo động lực trong nội bộ, kết nối cảm xúc với khách hàng, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đo lường của chiến lượng ‘làm thương hiệu’.
Để xác định sứ mệnh thương hiệu, doanh nghiệp cần phải trả lời được những câu hỏi: Doanh nghiệp hy vọng đạt được điều gì khi kinh doanh? Mục đích cuối cùng của doanh nghiệp là gì? Niềm tin cốt lõi của doanh nghiệp là gì?
Giọng điệu thông điệp
Giọng điệu của thông điệp thể hiện tính cách, cá tính của thương hiệu. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải xác định giọng điệu phù hợp cho thông điệp thương hiệu của mình.
Điều này rất quan trọng. Để tìm ra ‘style’ cho thông điệp thương hiệu cần nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng. Liệu thương hiệu hướng đến sự chuyên nghiệp, nghiêm túc hay vui nhộn, tinh nghịch?
Có thể tìm ra tông giọng thương hiệu từ chính đối tượng khách hàng mục tiêu của thương hiệu.
Ví dụ, thương hiệu kinh doanh những sản phẩm dành cho trẻ em thì tông giọng phải vui, tươi trong sáng. Ngược lại nếu khách hàng mục tiêu là những doanh nhân thì phải lựa chọn tông giọng chuyên nghiệp, thông thái, nghiêm túc, thẳng thắn.
Xác định được tông giọng thương hiệu mà thương hiệu biết cách lựa chọn từ ngữ cho thông điệp của mình sao cho chính xác.
Khác biệt thương hiệu
Khác biệt thương hiệu (Brand Pillars) là những định hướng phát triển thương hiệu một cách khác biệt ngay từ thời điểm mới bắt đầu hình thành.
Brand Pillars dịch nghĩa đen là những ‘cột trụ’ của thương hiệu. Những cột trụ này bao gồm: mục đích thương hiệu ra đời, thương hiệu có thể giải quyết vấn đề gì cho xã hội, lợi ích cho con người và xã hội thương hiệu có thể tạo ra.
Brand Pillars có vai trò quan trọng trong việc định hướng kế hoạch phát triển thương hiệu một cách khác biệt ngay từ ban đầu. Điều này giúp thương hiệu tạo ấn tượng trong tâm trí khách hàng, tạo khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp thương hiệu có động lực để phát triển bền vững.
Thắng Phạm