Chủ đề nghèo đói được nhắc nhiều trong khủng hoảng mà dịch bệnh COVID-19 đang càn quét khắp thế giới trở thành nỗi ám ảnh thế kỷ.
Hiệu ứng từ phim ảnh
Có lẽ mọi người đã từng xem bộ phim kể về cuộc đời của Jamal, Salim và Latika – 3 đứa trẻ Ấn Độ hành nghề ăn xin với cuộc sống rách rưới, lem luốc và đang cố gắng chạy trốn khỏi đám giang hồ. Jamal, nhân vật chính của bộ phim, sau đó tham gia vào chương trình “Ai là triệu phú” để tìm cách liên lạc lại với các người bạn thuở bé. Cậu đã trả lời được tất cả câu hỏi nhờ kinh nghiệm sống của mình một cách tình cờ.
Đây là nội dung của bộ phim với tựa đề ‘Slumdog Millionaire’ (Triệu Phú Khu Ổ Chuột), một bộ phim Anh của đạo diễn Danny Boyle và đồng đạo diễn tại Ấn Độ Loveleen Tandan. Phim đã giành được 8 giải Oscar, 5 giải lựa chọn của Nhà phê bình (Critics’ Choice Awards), 4 giải Quả cầu vàng và 7 giải BAFTA.
Nhưng bộ phim này cũng bị lên án là một sản phẩm mang tính “khiêu gợi thương hại” (Poverty Porn), bởi nó mô tả cuộc sống ổ chuột ở Mumbai, miêu tả về mại dâm, tra tấn, biến trẻ em thành tàn tật, mù loà để ăn xin hiệu quả và thao túng cảm xúc của người xem, đưa họ đi từ cảm giác đau thương đến thoả mãn khi gặp cái kết có hậu. Người Ấn Độ phản đối bộ phim vì cho rằng trong phim là một Ấn Độ lệch lạc qua góc nhìn của người phương Tây, trong đó những người dân ở khu ổ chuột chỉ biết chấp nhận và trông chờ trợ giúp.
Triệu Phú Khu Ổ Chuột vẫn còn gây tranh cãi, nhưng thực tế này cho thấy ngay cả một bộ phim đạt đỉnh cao về nghệ thuật và tính nhân văn, lay động hàng triệu trái tim khán giả, vẫn có thể bị coi là Poverty Porn.
Thực tế, giới điện ảnh toàn cầu trong nhiều năm trở lại đây thực hiện ngày càng nhiều Poverty Porn. Đỉnh điểm là ngay tại giải thưởng trân quý nhất của giới điện ảnh Oscar trong 2 năm vừa qua đã đánh dấu sự lên ngôi của dòng phim kể về người nghèo này. Năm 2020, bộ phim ‘Parasite’ (Ký Sinh Trùng) của đạo diễn Bong Joon-Ho đã khắc hoạ sự xấu xí tột cùng của người nghèo. Một gia đình 4 người thuộc tầng lớp thấp của xã hội Hàn Quốc sống dưới tầng hầm, thấp hơn cả một cái toilet, sẵn sàng làm mọi thứ để vào được ngôi nhà của người giàu, kể cả giết người.
Hay như năm 2021, ‘Nomadland’ – bộ phim nhận tới 3 giải Oscar cho phim xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với chủ đề về… người nghèo. Một phụ nữ trung niên gần 60 tuổi bị mất việc tại khu nhà máy Empire, Nevada (Mỹ) sau khi nơi này đóng cửa. Chồng vừa qua đời, việc làm không còn, khu phố cho công nhân bị bỏ hoang, bà quyết định bán đi tất cả, mua một chiếc xe tải và sống như dân du mục. Hành trình vô định đưa nhân vật chính tới những vùng đất mới, gặp gỡ nhiều người, đồng thời khiến bà phải vật lộn với thiếu thốn bằng hàng loạt công việc tạm bợ.
Có sự khốn cùng, có sự chú ý
Thực ra, không dễ dàng định nghĩa thế nào là Poverty Porn. Nói đến Porn, người ta thường nghĩ ngay đến tình dục. Nhưng trong mỗi con người còn những “dục” (ham muốn) mạnh khác. Lòng thương hại chính là một trong số đó. Các chuyên gia xã hội học tạm đưa ra một giải thích Poverty Porn là một thuật ngữ mô tả một dạng chiêu trò lạm dụng bằng việc phóng đại, bi kịch hoá các số phận, hoàn cảnh, đánh vào lòng thương cảm, lấy đi nước mắt của khán giả hay đối tượng mà họ muốn hướng đến nhằm trục lợi.
Khái niệm Poverty Porn xuất phát từ những năm 80 và Jorgen Lissner, một người cứu trợ của Đan Mạch, là người đầu tiên chỉ trích hoạt động này trong một bài báo cho tờ New Internationalist vào năm 1981: “Hình ảnh đứa trẻ chết đói bị coi là phi đạo đức, vì nó gần giống với nội dung khiêu dâm một cách nguy hiểm… nó phô bày cơ thể và linh hồn con người trong tình trạng trần trụi, không chút tôn trọng”.
Poverty Porn ban đầu ra đời từ một nỗ lực có mục đích tốt, nhằm quyên góp tiền cho chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình từ thiện. Nhưng khi bị sử dụng một cách quá mức, nó lại trở thành lạm dụng. Giờ đây nó đã biến thành một công cụ truyền thông (quảng cáo, marketing…) trong mọi lĩnh vực, kể cả thuần tuý kinh doanh kiếm tiền.
Nhiều tổ chức phi chính phủ, từ thiện dùng Poverty Porn để thu hút tiền từ thiện; các chương trình truyền hình thực tế được sản xuất lợi dụng hình ảnh có tính kích thích thương hại để tăng khán giả xem truyền hình, bán quảng cáo, bản quyền; các công ty du lịch tổ chức du lịch đến các khu ổ chuột; doanh nghiệp, người bán hàng lợi dụng từ thiện và những hình ảnh Poverty Porn để quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm…
Tại Việt Nam, với truyền thống ‘Lá lành đùm lá rách’, hoạt động từ thiện luôn được ủng hộ rộng rãi trên cả nước. Tuy nhiên, cũng không ít hoạt động trục lợi từ thiện, mượn danh người nghèo để kiếm tiền… đang diễn ra khiến xã hội bức xúc. Mới đây, cơ quan công an đã bắt một nhóm tội phạm lừa đảo khi lập ra các trang fanpage “giả như thật” với những tên gọi như Quỹ Bảo trợ Trẻ em, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Chia sẻ vì người nghèo… chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Hay không ít doanh nghiệp làm từ thiện ảo để đánh bóng hình ảnh, lợi dụng các hoạt động từ thiện để bán hàng.
Năm 2015, chính khách đảng Lao động Úc Stephen Bali đã cáo buộc đài truyền hình công cộng SBS dùng chiêu bài Poverty Porn trong một bộ phim tài liệu gây tranh cãi khi mô tả tầng lớp lao động của Sydney bằng cách vẽ lên những cảnh đời bị đẩy lên bi kịch tột độ tại Mount Druitt. Họ tức giận về cách họ được miêu tả trong phim và gọi đó là một sự ô nhục. Bali đã dẫn đầu một đoàn xe gồm 10 xe chở rác đến bên ngoài văn phòng của SBS ở phía Bắc Sydney, để tượng trưng cho cái mà ông gọi là “TV rác”, cáo buộc truyền hình do chính phủ tài trợ đã lãng phí “1 triệu đô la Úc cho chuyện tào lao”.
Ngành du lịch lợi dụng lòng thương hại của con người để tổ chức các tour du lịch khu ổ chuột, một thị trường ngách đang bùng nổ. Người ta tổ chức các tour du lịch đến các khu ổ chuột của Brazil, các thị trấn Johannesburg và Cape Town, Nam Phi. Hay khu ổ chuột Dharavi được mô tả trong Slumdog Millionaire, những khu đô thị nghèo nhất, bần cùng nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới, những vùng đất không nên đến.
Ước tính có khoảng 50.000 khách du lịch trải nghiệm các tour du lịch Favela của Rio de Janeiro mỗi năm. Chưa kể còn hàng ngàn lượt tham gia các chuyến du lịch tham quan các địa điểm như Manila và Mumbai. Tại Nairobi, du khách có thể đặt một tour trọn gói đến Kibera (khu ổ chuột lớn nhất ở Châu Phi và lớn nhất thế giới) sau một ngày ngắm nhìn động vật hoang dã trong công viên quốc gia gần đó. Hoặc tham quan qua khu phố Downtown Eastside khắc nghiệt của thành phố Vancouver (được coi là tồi tệ nhất ở Canada).
Người ta còn dùng Poverty Porn để truyền thông cho thương hiệu hoặc hàng hoá, thậm chí ‘câu view, câu like’ trên mạng xã hội. Các thương hiệu, những người bán hàng này nói rằng, mỗi lần mua một sản phẩm là đóng góp một phần tiền giúp trẻ em nghèo phẫu thuật tim, hoặc hở môi… Không biết những thương hiệu này đóng góp được bao nhiêu nhưng về bản chất họ đang lợi dụng lòng thương hại để vừa PR thương hiệu, vừa bán thêm sản phẩm. Nếu không, họ đã lặng lẽ và trực tiếp quyên góp cho những hoàn cảnh đáng thương.
Thiện nguyện cần chiều sâu
Người ta lợi dụng Poverty Porn ngày càng nhiều bởi nó mang lại hiệu quả tốt không ngờ. Nhờ sự phát triển của internet, thiết bị di động, mạng xã hội, nó ngày càng nở rộ. Năm 2009, Hiệp hội Tiếp thị Mỹ đã công bố một nghiên cứu. Nhiều quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ thường trích dẫn nghiên cứu này để biện minh cho việc đăng những bức ảnh về sự đau khổ tột cùng. Họ đưa ra hình ảnh này như một bằng chứng rằng: “những bức ảnh buồn” không chỉ “ổn” mà còn cực kỳ hiệu quả.
Nghiên cứu được thực hiện trên 151 sinh viên đại học Mỹ, với độ tuổi trung bình là 21, những người có học. Các sinh viên được trả 10 USD để xem và điền vào bảng câu hỏi trực tuyến và được thông báo rằng họ có thể quyên góp 10 USD đó cho nghiên cứu ung thư. Họ được chia thành 3 nhóm. Một nhóm được hiển thị quảng cáo chiến dịch với hình ảnh một đứa trẻ đang mỉm cười, một nhóm khác được hiển thị cùng một quảng cáo nhưng có hình ảnh một đứa trẻ có biểu cảm trung tính và nhóm thứ 3 được hiển thị quảng cáo với một đứa trẻ đang cau mày.
Đứa trẻ cau mày nhận được số tiền quyên góp nhiều hơn gấp rưỡi so với khuôn mặt vui vẻ hoặc trung tính. Nó đã chứng minh được tính hiệu quả. Với sự tiếp tay và nở rộ của mạng xã hội, thiết bị di động và các công cụ thanh toán trực tuyến tiện lợi đã làm cho việc quảng bá này càng nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, việc lợi dụng lòng thương hại đang có xu hướng ngày càng tăng để quảng cáo thương hiệu, tăng doanh số bán hàng hay kinh doanh thị trường ngách.
Nhưng khi những hành động đó lần lượt bị phân tích hoặc bóc trần, người ta sẽ quay lưng lại với những kẻ lợi dụng nỗi đau để trục lợi.
Truyền hình thực tế bị phản đối dữ dội trên khắp thế giới, du lịch đến khu ổ chuột bị phản đối, bị coi là ô nhục. Nếu có cơ hội trò chuyện với người có học thức tại bất kỳ quốc gia Châu Phi nào hoặc xem trên các trang, diễn đàn về Châu Phi như Quora, ta sẽ thấy cách họ quay lưng lại với từ thiện và Poverty Porn, một số còn lên án cả Liên Hiệp Quốc, EU hay USAID: “Từ thiện cứu trợ ấy hả, chúng tôi không cần. Chúng tôi cần việc làm”. Nếu đi loanh quanh với máy ảnh và chụp lung tung, bạn sẽ gặp những cái chỉ tay, gặp ánh mắt khó chịu thậm chí thù hằn, kể cả từ trẻ em. Nhiều người đã quá mỏi mệt với việc bị khai thác hình ảnh vô tội vạ.
Thị trường kinh doanh “cái nghèo” vẫn tiếp tục nở rộ bởi tính hiệu quả của nó bất chấp các vấn đề về đạo đức. Nhưng những tiếng nói phản đối và lên án cũng xuất hiện ngày càng nhiều, ở khắp mọi nơi khi mà mọi người cùng nhìn ra bản chất thật của việc lợi dụng.
Đây là một vấn đề của xã hội Việt Nam để những kẻ trục lợi từ thiện không làm mai một truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái của người Việt. Đặc biệt khi ngày càng nhiều tiếng nói đề xuất điều chỉnh Nghị định 64 để có thể huy động hiệu quả hơn nguồn lực thiện nguyện trong dân, trong bối cảnh đất nước thường xuyên hứng chịu thiên tai ngày càng cực đoan hơn.
Theo đó, ngày càng cần các hoạt động từ thiện quy mô, chuyên nghiệp và hiệu quả thiết thực hơn, không chỉ cứu trợ khẩn cấp mà còn tạo dựng được nền tảng để giúp người dân thoát nghèo. Thay chỉ vì bỏ ra một chút tiền cứu trợ, các hoạt động từ thiện cần bền bỉ và nỗ lực gấp bội để giải quyết câu chuyện gốc rễ. Thay vì thoả mãn sự thương hại nhất thời, chúng ta phải chiến đấu với đói nghèo bằng sự đồng cảm và tôn trọng con người.
Chẳng hạn, Oxfam thực hiện chương trình huy động người dân lao động đổi công xây dựng con đường để phục vụ sản xuất cũng như kết nối ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Ông Trần Đăng Tuấn, đại diện Quỹ Trò nghèo vùng cao, cho rằng, để tạo ra môi trường cho các hoạt động từ thiện chuyên nghiệp và minh bạch, cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng hệ sinh thái cho các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ khẩn cấp. Hệ sinh thái đó dựa trên nền tảng cung cấp thông tin cho nhau giữa chính quyền, mặt trận tổ quốc với các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ.